Du Lịch Đảo Phú Quốc

Đặc sản:
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH PHÚ QUỐC
    Từ lâu, đảo Phú Quốc đuợc nhiều người trong và ngoài nước biết đến với những cái tên Hòn đảo Ngọc hay Hòn ngọc Viễn Đông. Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại đặt cho Phú Quốc cái tên trìu mến đó mà chính vẻ đẹp kỳ bí, đầy quyến rũ của nó. Khi bước chân đến Phú Quốc, không ai không bị mê hoặc trước cảnh đẹp của hòn đảo này. Theo các chuyên gia du lịch thế giới đánh giá thì có thể nói không hòn đảo nào trong khu vực châu Á nói chung, nước VN nói riêng có điều kiện tốt hơn Phú Quốc để phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao.
    Quả thật như vậy, Phú Quốc có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, có thể giới thiệu một vài tiềm năng sau đây:
    1. Tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên
    a. Hệ sinh thái rừng
    Diện tích rừng Phú Quốc khoảng 37.000 ha, trong đó rừng tự nhiên khoảng 33.000 ha. Rừng cấm quốc gia được xác định là 31.422 ha. Rừng Phú Quốc tập trung ở phía Bắc và Đông Bắc đảo. Theo thống kê, rừng Phú Quốc hiện có hơn 530 loài thực vật thuộc 118 họ và 365 chi, trong đó có tám loài đặc hữu, đặc biệt có hai loài mới cho khoa học là Ceremium phuquoensis Phamh nov sp và loài Porphyra tanake Phamh nov sp thuộc họ Rhydophyceae. Trong 42 loài được ghi vào sách đỏ, có 11 loài tuyệt chủng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, 20 loài quý hiếm, 8 loài bị đe doạ và 3 loài nguy cấp. Rừng tập trung nhiều loại gỗ quý như kên kên, trai, xăng lẻ, vên vên, sao đen, sao đỏ, dầu, gõ đỏ, gồi, kim giao, cẩm thị... Ngoài ra còn có trên 1.000 loại dược thảo quý như cam thảo, hà thủ ô, bí kỳ nam, nhân trần, đổ trọng, sa nhân,.... Động vật rừng có trên 150 loài gồm 120 chi, 69 họ, 365 loài chim, trong đó có 23 loài được ghi vào sach đỏ cần bảo vệ. Một số loài có nguy cơ tuyệt chủng là Vượn má trắng (Hylopetes lar), cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis), rắn hổ mây, vích (Chenolia mydas), vọoc mông trắng (Presbytis francoisi), gấu chó (Helaretos malaynus), chồn bay (Petaurista). Gần đây các nhà khoa học phát hiện thêm hai loài thú quý hiếm là sói rừng và khỉ bạch. Động vật đặc hữu ngoài chó Phú Quốc (canis dingo), còn có hai phân loài chim là chìa vôi vàng (Motacilla flava), và hút mật đỏ (Aethopyga siparaja). Rừng Phú Quốc được đánh giá là một bảo tàng hiếm có bởi tất cả hệ sinh thái có mặt ở VN đều hiện hữu ở nơi đây đã tạo nên một vị thế quan trọng cho đảo Phú Quốc.
    b. Tài nguyên biển
    Nằm trong vùng biển tây Nam Bộ, biển Phú Quốc có nguồn lợi hải sản phong phú với nhiều loài có giá trị kinh tế cao, với trữ lượng khoảng hơn 0,5 triệu tấn hải sản các loại, có khả năng khai thác trên 2.000 tấn/năm. Nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như Thu – Ngừ, cá Mối, Hồng Phèn, Đổng, Sạo,...nhiều loài tôm, mực, cua, ghẹ có giá trị xuất khẩu cao, trong đó, đặc biệt nhất là cá cơm, chính cá cơm Phú Quốc đã tạo nên thương hiệu nước mắm cá cơm Phú Quốc nổi tiếng mà không nơi nào có thể tạo hương vị giống như nước mắm được chế biến từ cá cơm Phú Quốc. Bên cạnh đó, còn có nhiều nguồn lợi hải sản có thể khai thác phát triển kinh tế và phục vụ du lịch tốt nhất đó là:
    - Nguồn lợi da gai: Đã phát hiện được 32 loài như Cầu gai đen diadema setosum, hải sâm đen, hải sâm mít Antinopyga echinites và đồn đột Lựu Thelenota ananas là những loài có giá trị kinh tế.
    - Nguồn lợi rong biển: Có 98 loài rong biển trên vùng biển Phú Quốc. Rong biển là nơi cư trú và là nguồn thức ăn phong phú của nhiều loài thủy sản. Nhiều loài rong biển có giá trị kinh tế, được dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến như rong câu, rong Sụn,..
    - Cá heo: có nhiều trên vùng biển Kiên Giang nhất là quanh quần đảo Phú Quốc và Thổ Chu. Cá heo đi thành từng đàn từ vài con đến vài trăm con. Các loài cá heo thường gặp như: cá Ông Sư Orcaella brevirostris, cá heo Sọc Stenella coeruleoalba. Đa phần cá heo bị khai thác là do ngẫu nhiên, tỉ lệ sống sau khi mắc lưới là 20,7% được ngư dân thả lại biển, số chết được bỏ xuống biển hoặc đem về làm phân hoặc chôn cất trên đất liền.
    - Rùa biển: rùa biển khu vực Phú Quốc gồm có Đồi Mồi, rùa Da rùa Xanh (Vích). Trong đó, đồi mồi Emetmochelis imbricata và Đồi mồi Dứa Cheloniamydas trước kia đã từng nổi tiếng Phú Quốc nay đã trở nên hiếm hoi. Nay chỉ bắt gặp Vích trong quá trình khai thác.
    - Cá cảnh biển: Cá cảnh Phú Quốc thường sống tập trung ở các rạn san hô và chủ yếu là tập trung vào 3 nhóm cá Thia Pomacentridae, cá Bướm Chaetodontidae và cá Bàng Chài Labridae, hai họ còn lại là cá Thiên Thần Pomacanthidae và Đuôi Gai Acanthuridae có mật độ không đáng kể. Trong đó cá Thia có mật độ cao nhất và hầu như chiếm ưu thế trong toàn bộ cá rạn san hô ở Phú Quốc.
    c. Tài nguyên nước ngọt
    Với lượng mưa lớn và diện tích lưu vực khoảng 456km2 (78% diện tích đảo) Phú Quốc có nguồn nước mặt phong phú, mật độ sông suối cao (0,42 km/km2). Do đặc điểm địa hình, các sông rạch đều ngắn, dốc, không tích nước được vào mùa mưa, mùa lũ gây xói mòn lớn. Mặt khác, điều kiện này lại tạo thêm cho sông rạch Phú Quốc những thắng cảnh rất đẹp như Suối Tranh, suối Đá Bàn, suối Tiên.... Đồng thời sông suối Phú Quốc còn còn cho phép tạo đuợc các hồ nước nhân tạo vừa cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, đô thị và dân cư vừa có thêm thắng cảnh mới cho các hoạt động nghỉ ngơi du lịch.
    d. Tài nguyên cảnh quan sinh thái
    - Các bãi biển
    Toàn đảo Phú Quốc có mười bốn bãi biển có thể khai thác phát triển du lịch tốt nhất và một số bãi nhỏ nằm rải rác ở một số hòn thuộc cụm đảo Nam An Thới. Đặc điểm nổi bật của các bãi này là địa hình bờ dốc thoãi dần thích hợp nhất cho khai thác du lịch tắm biển và các hoạt động du lịch biển. Các bãi phần lớn còn hoang sơ, chưa được đưa vào khai thác, cạnh các bãi chủ yếu là rừng thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái. Cát ven biển Phú Quốc đặc biệt đa dạng hình thành một số loại và màu sắc khác nhau tập trung ở các bãi biển như:
    + Bãi Sao: nằm ở phía Đông Đảo, có chiều dài mặt biển khoảng 2-3 km, hình vòng cung, được phủ bởi lớp cát trắng mịn, bề rộng bãi lớn, lưng bãi tựa vào các dãy núi có độ cao khoảng 70 - 150m, địa hình khu vực bên trong bãi bằng phẳng, dốc lài, bình đồ thấp thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao. Theo Quyết định 1197, nơi đây được quy hoạch thành những khách sạn năm sao, sân golf và trung tâm hội nghị quốc tế.
    + Bãi Khem: bãi Khem kết nối với bãi Sao bởi mũi bãi Khem được giới chuyên gia đánh giá là bãi đẹp nhất Phú Quốc, chiều dài bãi khoảng 1-2 km, ngoài bãi cát trắng mịn, bãi Khem có địa hình lý tưởng cho du lịch chất lượng cao, ở hai đầu bãi là những dãy núi thấp có ghềnh đá thích hợp cho các hoạt động câu cá, lặn biển,....
    + Bãi Đất đỏ: nằm ở phía Nam An Thới, với chiều dài bãi khoảng 1-2 km, bãi cát có màu đỏ, nước nơi đây trong và xanh thẳm. Ích chịu ảnh hưởng bởi sóng gió vào các mùa trong năm (có thể khai thác du lịch quanh năm).
    + Bãi Trường: với chiều dài khoảng 12 km và thẳng được nối liền với bãi Bà Kèo – Cửa Lấp, đồng thời đây là bãi có diện tích mặt bằng lớn nhất Phú Quốc, ngoài việc khai thác du lịch biển còn có thể khai thác du lịch biệt thự nhà vườn và trung tâm thương mại, đô thị Phú Quốc. Theo 1197, khu vực này sẽ được xây dựng thành trung tâm thương mại và du lịch lớn của đảo Phú Quốc.
    + Bãi Bà Kèo – Cửa Lấp: gần thị trấn Dương Đông, bãi có cát vàng và nước trong xanh, nơi đây đã hình thành khu du lịch của số nhà đầu tư trong và ngoài nước đang khai thác, tuy nhiên việc quy hoạch và quản lý yếu kém dẫn đến việc phát triển khu vực này hiện nay không được tốt, chưa khai thác được hết thế mạnh cảnh quan.
    + Bãi Ông Lang: có vị trí gần thị trấn Dương Đông trên bờ biển phía Tây Phú Quốc. Bãi tập hợp một số bãi có quy mô nhỏ, tách biệt nhau, tạo thành những khu vực có không gian riêng biệt rất lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Bãi cát khu vực này nhỏ, tuy nhiên có những ghềnh đá tạo cảnh quan đẹp, thơ mộng, đặc biệt có rất nhiều cá ở khu vực ghềnh, do vậy sẽ là điểm hấp dẫn hấp dẫn khách du lịch nghỉ duỡng.
    - Các hòn xung quanh đảo Phú Quốc
    + Quần đảo Nam An Thới: tập trung nhiều nhất là quần đảo Nam An Thới với đảo, lớn nhất là đảo Hòn Thơm. Các đảo nhỏ đều có bãi cát vàng nhưng nhỏ, đẹp. Phần lớn các đảo còn hoang sơ chưa có người ở, tập trung nhất là trung tâm xã đảo Hòn Thơm.
    + Hòn Móng Tay: nằm cạnh bãi Dài, cách khoảng 500m, thuộc khu vực xã Gành Dầu. Đảo này hiện nay còn rất hoang sơ, chưa có người sinh sống, đảo có bãi cát nhỏ và ghềnh đá với nhiều loài cá, thuỷ đặc sản như hào, nhum, cua...có thể dễ dàng bắt. Hiện nay, có một số khách du lịch thuê những tàu nhỏ ra hòn để câu cá đồng thời mang theo một số gia vị và vật dụng để khi bắt cá lên là có thể ăn tại chỗ.
    + Hòn Một: nằm cạnh bãi Thơm, xã Hòn Thơm, cũng là hòn có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hiện nay vẫn còn hoang sơ, nhiều nhà đầu tư rất thích hòn này, vì nó hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, thích hợp để đầu tư xây dựng một khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao.
    - Rạn san hô và cỏ biển
    Tập trung nhất ở quần đảo Nam An Thới, đặc biệt tập trung ở các đảo nhỏ hòn Xưởng, hòn Móng Tay, hòn Vong, hòn Gầm Ghì, đây là những khu vực thuộc vùng lõi, vùng được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy chế bảo tồn cỏ biển và san hô Phú Quốc, còn lại nằm rải rác ở các đảo nhỏ khác. Đối với cỏ biển trải dài theo các bãi biển phía Đông từ quần đảo Nam An Thới đến Bắc đảo. Khu hệ cá trong các rạn san hô rất phong phú, các loại họ các mú (Serranidae) và cá bướm (Chaetontidae) cùng nhiều loài có giá trị kinh tế cao khác. Các nhà nghiên cứu đã thống kê được 89 loài san hô cứng và 19 loài san hô mềm, 125 loài cá ở rạn san hô, 132 loài thân mềm, 32 loài da gai và 62 loài rong biển, trong đó có nhiều loài quan trọng như Trai tai tượng (Tridacna squamosa) và Ốc đun cái (Trochus nilotichus). Nơi đây cũng ghi nhận loài đồi mồi đến vùng đất này đẻ trứng cũng như sự xuất hiện của Bò biển Dugong quý hiếm.
    - Các danh thắng khác
    + Sông ngòi: Phú Quốc có mật độ sông suối là 0,42km/km2, cao nhất trong các đảo của VN. Hệ thống sông, rạch với lưu vực nơi rộng nhất khoảng 10km2, tổng diện tích lưu vực khoảng 456km2, chiếm 77% diện tích toàn đảo. Các sông chính bao gồm sông Cửa Cạn, sông Dương Đông, rạch Đầm, các rạch nhỏ như rạch Tràm, rạch Vũng Bầu, rạch Cá, rạch Cửa Lấp, rạch Cốc... Các dòng sông thường bắt nguồn từ các dãy núi Đông Bắc chảy ra bờ biển Tây Nam, có độ dốc lớn nên không tích được nước mưa, thường xảy ra xói mòn vào mùa lũ.
    + Suối: Được thiên nhiên ban tặng, Phú Quốc ngoài rừng nguyên sinh, các bãi biển đẹp, các con rạch đuợc tạo thành bởi các dãy núi lớn, chạy uốn lượn quanh đảo, Phú Quốc còn có các con suối được hình thành bởi dòng chảy từ các dãy núi, nổi bậc là suối Tranh, suối Đá Bàn, suối Tiên. Các dòng suối này chảy mạnh nhất vào mùa mưa, mùa nắng ít nước thậm chí không có nước vào những năm khô hạn kéo dài. Nguồn nước sạch, khách tham quan có thể tắm, vui đùa và chụp hình lưu niệm.
    + Những dãy núi cao: Khu vực đỉnh cao Núi Chùa trên dãy Hàm Ninh có độ cao khoảng 560m với diện tích đất tương đối bằng phẳng khoảng 30 – 40 ha. Từ đỉnh núi này có thể quan sát các khu vực khác nhau của đảo cũng như có tầm nhìn xa tới khu vực biển đảo xung quanh. Tại đây có thể khai thác thành các điểm nhìn, quan sát cho các khách du lịch đồng thời tận hưởng không khí mát mẻ trên đỉnh núi cao này.
    - Các sản phẩm địa phương
    Phú Quốc nổi tiếng với nước mắm Phú Quốc, hồ tiêu và rượu sim. Những nhà thùng nước mắm, những vườn tiêu xanh thẳm sẽ là những điểm tham quan hấp dẫn cho những du khách muốn tìm đến để tham quan, học tập mô hình sản xuất nước mắm; cách thức trồng và chăm sóc hồ tiêu,...
    2. Tiềm năng về tài nguyên nhân văn
    Phú Quốc được xem là nơi phát tích của đạo Cao Đài. Ngày nay trên đảo có một thánh thất Cao Đài ở thị trấn Dương Đông. Trên đảo cũng chỉ có duy nhất một nhà thờ đạo Thiên chúa ở thị trấn An Thới, đó cũng là nơi trước đây tập trung dân di cư từ miền Bắc vào năm 1954. Ngoài ra vào ngày rằm tháng 7 âm lịch người dân thường đi chùa tại thị trấn Dương Đông. Vào ngày này sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá nhộn nhịp. Du khách có thể tham gia vào lễ tế thần linh của người dân nơi đây. Lễ hội Nghinh Ông và tục thờ cá Ông (cá voi) ở Phú Quốc bắt nguồn từ dạng tín ngưỡng vật tổ cư dân vùng ven biển nước ta, phổ biến rộng rãi từ vùng biển Thanh Hoá đến tận Kiên Giang. Theo truyền thuyết, tục thờ cá Ông được xuất phát từ tín ngưỡng của dân tộc Chăm: Vị thần tên là Cha-aih-va, vì quá nôn nóng trở về xứ sở sau thời gian khổ luyện phép thuật, đã cãi lại thầy của mình và tự ý biến thành cá Voi. Từ đó, mỗi khi có thuyền lâm nạn vị thần đều nâng đỡ và đưa người lâm nạn vào bờ. Truyền thuyết dân gian của dân tộc Kinh thì cho rằng: Cá Voi do Phật Quan Âm Bồ Tát xé chiếc áo cà sa thành muôn mảnh thả trên mặt biển để cứu vớt chúng sinh đi biển bị lâm nạn. Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức với sự tham gia của nhân dân trong vùng. Lễ hội bắt đầu từ sáng sớm với một đoàn người gồm các vị kỳ lão, kỳ hương... lên một chiếc ghe lớn (có trang trí hoa, cờ, bàn thờ và bài vị thuỷ tướng, có đoàn nhạc ngũ âm, chiêng, trống và đội múa lân rộn ràng) đi đến địa điểm đã định rồi dâng hương, rượu. Sau đó, đoàn thuyền về bến rước Ông đến lăng, tiếp đến là các lễ cúng Tiền Hiền, Hậu Hiền, đọc văn tế, sắc phong, học trò dâng trà, hoa, rượu...Ðến với lễ hội, du khách còn được thưởng thức các tiết mục: Võ thuật, múa lân, hát Bội... cùng với nhịp điệu hoà âm của chiêng, trống trong khói hương nghi ngút. Lễ hội Nghinh Ông là dịp cho ngư dân cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống được no ấm thịnh vượng, hạnh phúc trường tồn. Lễ hội còn là nơi cho mọi người tưởng nhớ đến việc báo nghĩa, đền ơn, uống nước nhớ nguồn.
    Phú Quốc có lịch sử khai hoang, lập ấp khá sớm so với các vùng khác thuộc lưu vực sông Cửu Long. Ngoài ra nơi đây còn là căn cứ địa chống Pháp của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và nhiều chiến tích hào hùng của những người chiến sĩ cách mạng Việt Nam ở nhà lao Cây Dừa...
    3. Kết luận
    Phú Quốc có tiềm năng phát trin du lịch lớn, có thể thấy rằng Phú Quốc có thể phát triển rất nhiều loại sảnphẩm du lịch hấp dẫn, mang tính cạnh tranh cao, thêm vào đó là cơ chế chính sách, sự quan tâm của Chính phủ, sự cố gắng của Tỉnh chắc chắn trong tương lai không xa, Phú Quốc sẽ trở thành trung tâm du lịch của khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay du lịch Phú Quốc cũng chỉ mới là con số khởi đầu, sự phát triển còn khoảng cách khá xa so với tiềm năng của Phú Quốc. Muốn phát triển nhanh chóng ngành du lịch Phú Quốc Kiên Giang, phải đánh giá đầy đủ, toàn diện tiềm năng, lợi thế, cơ hội, thách thức, biết lựa chọn những sản phẩm du lịch quan trọng nhất trong thế mạnh, để tập trung những nổ lực khai thác có hiệu quả, không ngừng mở rộng theo hướng phát triển toàn diện. Một chiến lược phát triển, dù là một ngành cũng phải hội tụ đầy đủ các yếu tố cấu thành, trong đó hệ thống quan điểm là một bộ phận có tính nguyên tắc, định hướng cho hành động phát triển trong thời gian dài, phù hợp với xu hướng chung của quốc gia và quốc tế, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
    Trong thời gian sắp tới, để khai thác tiềm năng du lịch Phú Quốc, Nhà nước cần tập trung vào một số phương hướng sau:
    - Hỗ trợ vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho đảo Phú Quốc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu vực trọng tâm trọng điểm như: sân bay quốc tế Dương Tơ, các Cảng An Thới, bãi Đất Đỏ, các tuyến đường chính nối liền các điểm, khu du lịch như: Dương Đông – Cửa Cạn, Dương Đông – Bãi Thơm.
    - Nghiên cứu mô hình tổ chức đơn vị hành chính của Phú Quốc, đưa Phú Quốc đi vào hoạt động ổn định nhằm khai thác nhanh các tiềm năng và huy động có hiệu quả các nguồn lực; hỗ trợ tỉnh Kiên Giang cũng như Phú Quốc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực đầu tư xây dựng các khu du lịch có quy mô và vốn lớn như casino, khu vui chơi giải trí tổng hợp dành cho người nước ngoài. Trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn đầu tư cho đảo.
    - Lập kế hoạch đầu tư các công trình giao thông, điện, nước, cảng, trường dạy nghề, bệnh viện theo hình thức BOT, các khu đô thị mới, trung tâm thương mại, chợ đầu mối theo phương thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng trình HĐND tỉnh.
    - Triển khai xây dựng ngay một số khu tái định cư tại thị trấn Dương Đông và khu Suối Lớn, làng cá và bến cá vũng Trâu Nằm để phục vụ việc di dời giải tỏa nhằm thực hiện các dự án đầu tư trên đảo.
    - Xây dựng chương trình làm việc về quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển cu lịch trên đảo Phú Quốc, đồng thời phối hợp cùng UBND TP.HCM xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư vào đảo Phú Quốc, xúc tiến du lịch và liên kết xây dựng các tuyến du lịch TP.HCM – Phú Quốc.